ĐIỀU LỆ LIÊN CHI HỘI (Dự thảo)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

ĐIỀU LỆ
Liên Chi Hội Nội soi tiêu hóa Việt Nam

Chương I - Tên Hội - Tôn chỉ - Mục đích

Điều I: Hội lấy tên là Liên Chi Hội Nội soi Tiêu hóa Việt Nam
Tên tiếng Anh: VIETNAMESE FEDERATION FOR DIGESTIVE ENDOSCOPY - VFDE.
Điều II: Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, là một tổ chức nghề nghiệp của những người làm việc trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa, không phân biệt tuổi tác, trình độ nghề nghiệp, chủng tộc, chính kiến hay tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài.
Mục đích của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu hóa Việt Nam là hợp tác giúp đỡ nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học để xây dựng và phát triển chuyên ngành nội soi tiêu hóa trong việc chẩn đoán cũng như điều trị, trong nghiên cứu khoa học cũng như phổ biến kiến thức y học về tiêu hóa cho cộng đồng, nhằm góp phần xây dựng một nền Y học Việt Nam ngày càng phát triển.
Điều III: Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam là thành viên của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, hoạt động trên phạm vi cả nước theo đúng pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo đúng điều lệ của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam.

Chương II – Nhiệm vụ của hội

Điều IV: Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam có những nhiệm vụ như sau:
1. Tập hợp những người làm công tác trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa. Động viên giúp đỡ nhau trong học tập, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
2. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức Y học thông thường nhưng cần thiết về nội soi tiêu hóa đến cộng đồng nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về y học trong cộng đồng, góp phần tích cực và có hiệu quả vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
3. Tham vấn và đề xuất ý kiến các vấn đề chuyên môn như: công tác phòng bệnh, khám và chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nhu cầu thuốc, trang thiết bị… trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.
4. Phối hợp cùng các đơn vị y tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ kiến thức chuyên ngành cho hội viên nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành nội soi tiêu hóa ngày càng lớn mạnh.
5. Tăng cường hợp tác và trao đổi kiến thức, học tập kinh nghiệm với các hội chuyên ngành trong và ngoài nước để không ngừng củng cố và phát triển Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.
6. Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam có trách nhiệm quan tâm đến đời sống tinh thần của hội viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.

Chương III - Tổ chức của Liên Chi Hội

Điều V: Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, và quyết định theo đa số.
Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam có cơ cấu tổ chức như sau:
- Chi hội là đơn vị cơ sở của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.
- Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam có 3 chi hội trực thuộc, phân bố theo từng miền: Chi hội Nội soi Tiêu hóa Miền Bắc, Chi hội Nội soi Tiêu hóa Miền Trung và Chi hội Nội soi Tiêu hóa Miền Nam.
Điều VI: Đại hội đại biểu toàn quốc:
Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc 5 năm họp một lần. Địa điểm, chương trình nghị sự, thời gian họp phải được thông báo trước ít nhất là 3 tháng.
Đại hội có các nhiệm vụ:
- Thông qua báo cáo hoạt động của nhiệm kỳ qua và quyết định chương trình hoạt động của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
- Bầu ban chấp hành Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, thể thức bầu do đại hội quyết định.
Số lượng ủy viên ban chấp hành sẽ do Đại hội quyết định theo tỷ lệ 10% số lượng hội viên nhưng không quá 50 người.
- Quyết định sửa đổi bổ sung điều lệ Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.
- Đại hội đại biểu toàn quốc có thể họp bất thường khi có 1/2 số ủy viên ban chấp hành yêu cầu.
Điều VII: Ban chấp hành Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam
Ban Chấp hành Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam là cơ quan lãnh đạo trực tiếp điều hành mọi công việc của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam giữa hai kỳ đại hội đại biểu toàn quốc theo chương trình hoạt động mà đại hội đại biểu toàn quốc đã thông qua.
Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam:
- Bầu ra Ban thường vụ của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, Chủ tịch, các phó chủ tịch Liên Chi Hội, một số trưởng ban chuyên trách.
- Xem xét và giám sát hoạt động của các hội cấp dưới, của ban thường vụ hội.
- Thông qua chương trình hoạt động của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam trong năm trước và đề ra chương trình hoạt động cho năm tới, quyết toán ngân sách và tài chính.
- Nhiệm kỳ của Ban chấp hành Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam theo nhiệm kỳ của đại hội.
- Ban chấp hành họp một năm một lần. Thời gian, địa điểm, chương trình phải được thông báo ít nhất 1 tháng trước. Ban chấp hành có thể họp bất thường theo yêu cầu của ban thường trực hoặc khi có quá 2/3 số ủy viên ban chấp hành yêu cầu.
Điều VIII: Ban thường trực: do ban chấp hành bầu ra
Ban thường trực là cơ quan thường trực giữa hai kỳ họp của ban chấp hành, ban thường trực gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên thường vụ. Số ủy viên thường vụ không quá 1/3 số ủy viên Ban chấp hành.
Ban thường trực có nhiệm vụ:
- Kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các hoạt động của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam nhằm thực hiện các nghị quyết, kế hoạch hoạt động, duyệt cử người đi dự các cuộc hội nghị, hội thảo, đặc biệt đi dự họp ở nước ngoài.
- Duyệt, kiểm tra các khoản thu chi của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam
Ban thường trực họp 3 tháng một lần, các phiên họp bất thường do Chủ tịch Liên Chi hội triệu tập.
- Để giúp Ban thường vụ hoạt động tốt, có các ban sau đây:
+ Ban thư ký gồm một tổng thư ký, thư ký các chi hội và một số ủy viên do Ban thường trực quy định.
+ Ban thanh tra
+ Ban khoa học kỹ thuật đào tạo và xuất bản
+ Ban tổ chức và quan hệ đối ngoại
+ Ban tài chính

Chương IV - Hội viên

Điều IX:
1. Công dân Việt Nam là cán bộ, nhân viên y tế đã hoặc đang hoạt động trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa, nếu tự nguyện xin gia nhập hội, tán thành Điều lệ, tôn chỉ, mục đích của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, đóng hội phí đầy đủ, đều có thể trở thành hội viên Liên Chi Hội Nội soi Tiêu hóa Việt Nam.
2. Những người hoạt động ngoài chuyên ngành nội soi tiêu hóa nhưng có đóng góp lớn trong việc xây dựng ngành nội soi tiêu hóa có thể được kết nạp là hội viên danh dự hay hội viên tán trợ của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.
Điều X: Thủ tục kết nạp hội viên
Người muốn gia nhập Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam phải làm đơn tự nguyện xin gia nhập Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, hoặc đăng ký trực tuyến thông qua trang web của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam. Chi hội cơ sở có quyền được giới thiệu hội viên mới.
Điều XI: Nhiệm vụ và quyền lợi hội viên
1. Nhiệm vụ của hội viên:
- Tôn trọng điều lệ Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Ban chấp hành Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, tham gia các hoạt động và đóng hội phí đầy đủ.
- Phổ biến tuyên truyền hoạt động của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, phát triển hội viên mới.
- Đoàn kết giúp đỡ nhau trong công tác, đoàn kết với các hội bạn, chống những hành động có hại đến nhiệm vụ và uy tín của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, giữ vững phẩm chất đạo đức người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa.
- Tham gia học tập nghiên cứu khoa học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ – tuyên truyền và phổ biến kiến thức y học thông thường trong cộng đồng góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu.
2. Quyền lợi của hội viên
- Được tham gia các lớp học, hội thảo, các buổi sinh hoạt chuyên môn do Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam tổ chức.
- Được trình bày công trình nghiên cứu khoa học của mình dưới mọi hình thức. Giá trị khoa học của các công trình đó được hội xem xét, đánh giá, bảo vệ và phát huy. Được giới thiệu để in các công trình nghiên cứu khoa học trong các tạp chí của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam.
- Được quyền thảo luận về các chương trình hoạt động, các đề án công tác của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, được trình bày những quan điểm khoa học cũng như các ý kiến xây dựng hội.
- Được quyền bầu cử, ứng cử vào ban chấp hành các cấp của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.
- Được quyền yêu cầu hội bảo vệ quyền lợi hội viên hợp pháp của mình, hoặc được quyền xin ra khỏi Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.
Điều XII: Khen thưởng và kỷ luật:
1. Hội viên hoạt động tích cực, có đóng góp xuất sắc cho Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, hoặc có những công trình khoa học có giá trị sẽ được khen thưởng. Ngược lại nếu hội viên nào làm tổn hại uy tín và thanh danh, làm trái với điều lệ Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, tùy mức độ sẽ bị phê bình hoặc kỷ luật thích đáng. Mức cao nhất là đưa ra khỏi Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.
2. Việc đưa ra khỏi Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam phải do các chi hội yêu cầu sau khi có quá nửa số hội viên tán thành và phải được cấp có thẩm quyền kết nạp hội viên chuẩn y.

Chương V - Tài chính

Điều XIII:
1. Kinh phí hoạt động của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam nhờ vào các nguồn cung cấp sau đây:
- Hội phí của hội viên,
- Tiền ủng hộ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, viện trợ nhân đạo và đóng góp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Thu nhập từ các hoạt động gây quỹ và dịch vụ kỹ thuật của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Sử dụng kinh phí: Các nguồn tài chính trên đây chỉ được sử dụng nhằm phục vụ cho các hoạt động phát triển hoặc từ thiện của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, chứ không nhằm mục đích kinh doanh hoặc phục vụ lợi ích cá nhân.
3. Các khoản chi chủ yếu là:
- Họp, hội nghị
- Khen thưởng
- In báo, nhuận bút, thù lao giảng bài
- Các lớp học chuyên môn
- Hành chính phí, công tác phí
4. Quản lý tài chính theo đúng pháp luật và quy định hiện hành về tài chính của Nhà nước. Thu và chi được báo cáo công khai hàng năm tại Hội nghị đại biểu của các cấp để được thông qua và quyết toán.

Chương VI - Sửa đổi điều lệ

ĐIều XIV:
Chỉ có đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền được sửa đổi điều lệ của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam, phải có ít nhất trên 50% số đại biểu có mặt tại đại hội tán thành thì các điều khoản sửa đổi mới có hiệu lực. Các đại biểu đến dự đại hội này phải được thông báo trước về mục đích và nội dung sửa đổi điều lệ.

Chương VII - Điều khoản cuối cùng

Điều XV:
Hội phí của hội viên thu từ các chi hội, được giữ lại 1/2 để chi dùng cho chi hội, trích 1/2 nộp lên Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam để chi dùng cho hoạt động của Liên Chi Hội Nội Soi Tiêu Hóa Việt Nam.

Bản điều lệ này đã được thông qua tại kỳ họp Ban Chấp hành Liên Chi Hội Nội soi tiêu hóa Việt Nam, ngày tháng năm tại Hà Nội.

Sự kiện sắp diễn ra

12th APSDE VFDE Local Workshop on STER & POEM

27-09-2024 ~ 28-09-2024

Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM

HỘI NGHỊ KHOA HỌC TIÊU HÓA TOÀN QUỐC LẦN THỨ 30 (NĂM 2024)

08-11-2024 ~ 09-11-2024

Trung tâm Hội nghị Quốc tế

Xem tất cả sự kiện

Tin tức

Nhà tài trợ